VNUHCM JOURNAL OF ENGINEERING AND TECHNOLOGY

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology since 2018

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

647

Total

280

Share

Physical and spiritual creation in architecture - urban areas






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In urban areas, physical creation has directed architects' focus towards shaping skills, making them highly specialized in their narrow fields. Their works have been highly valued by theoretical experts, critics, and awards, but they might not necessarily receive resonance and consensus from the public. The unique beauty of architectural works might not always attract the masses and bring happiness to them. The grandeur of these structures has sometimes created significant gaps due to the unfamiliar perspective they offer to the community. Conversely, spiritual creation, intentionally or unintentionally, has often brought satisfaction to the residents of urban areas, especially in historical places where they could freely earn a living, socialize, and enjoy recreational activities in an equitable manner. They have felt that these have been the places where they “belong” so they have felt confident and happy, even though they have never experienced the luxury of the rich. This paper evaluates two common systems of reference in architecture and urban areas, consisting of physical creation and spiritual creation. It also references some successful case studies of creating a sense of place in urban areas for comparison, drawing lessons for urban development in Vietnam.

MỞ ĐẦU

Trong rất nhiều thảo luận về kiến trúc và đô thị, điều thường gây tranh luận là một đô thị xấu, thiếu mỹ quan là do kiến trúc lem nhem và xộc xệch, do không được thiết kế hoặc thiết kế tồi. Các nhà quản lý và kiến trúc thường cho rằng, đã đến lúc cần phải thắt chặt công cuộc “quản lý trật tự đô thị” và kiến trúc cần phải được “định hướng” sát sao bởi các nhà chuyên môn.

Tuy vậy, sau rất nhiều nỗ lực và tiền bạc đổ ra, tình hình cũng không mấy sáng sủa cho đến khi chính quyền gần như buông xuôi và để cho cuộc sống tự quyết định như thủ phủ Chandigarh ở tiểu bang Punjab, Ấn độ. Ngược lại, ở những khu hạt nhân trung tâm lịch sử (historic nucleus) của các đô thị có bề dày lịch sử thì mọi việc có chiều hướng thuận lợi hơn. Ở đó, vẻ đẹp mỹ miều của kiểu kiến trúc hàn lâm không phải là mối bận tâm, mà là sự thu hút của các không gian dung dị và gần gũi, thân quen và đầy sức sống.

Bài báo này chia sẻ cái nhìn của người viết về hiện tượng có tính nghịch lý này trong kiến trúc và đô thị.

TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN

Việc nghiên cứu về kiến tạo không gian kiến trúc và đô thị cần thiết phải tham chiếu một số nghiên cứu dưới đây như là những cơ sở khoa học.

  • Năm 1960, Kevin Lynch xuất bản cuốn “The image of the city”, tạm dịch là “Hình ảnh của thành phố”, trong đó nêu lên năm yếu tố tạo nên hình ảnh để có thể nhận diện một đô thị gồm: lưu tuyến, khu vực, cạnh biên, điểm nút cột mốc . Ý nghĩa của những kiến giải này từ Kevin Lynch là một phát hiện quan trọng cho thấy đó chính là năm yếu tố gắn kết ký ức của các cư dân đô thị với những nơi chốn cụ thể trong môi trường đô thị. Sự gắn kết này có được thông qua ký ức và cảm giác tức thời, nó được sử dụng để giải mã thông tin và định hướng cảm quan của con người trong đô thị đó. Theo thời gian, những tương tác này sẽ trở thành tinh thần nơi chốn đối với mọi người, với tất cả những ai từng có ký ức hình ảnh về một thành phố hay địa danh, địa điểm nào đó. Kevin Lynch còn khẳng định rằng, những hình ảnh đô thị đồng thời còn chứa đựng ba thành tố quan trọng là: cấu trúc, ý nghĩa và bản sắc . Do vậy, hình ảnh đô thị mang màu sắc của cả kiến tạo vật lý và kiến tạo tinh thần 1 .

  • Cuốn “ Place and Placelessness ”, tạm dịch là “Nơi chốn và phi nơi chốn”, của Edward Relph xuất bản năm 1976 là một nghiên cứu về bản chất và ý nghĩa của nơi chốn, một yếu tố quan trọng tác động đến đời sống của con người. Relph cho rằng, trong việc trải nghiệm của con người thì mối quan hệ giữa không gian và địa điểm có tính biện chứng. Sự hiểu biết của con người về không gian có liên quan trực tiếp đến những nơi chốn họ từng sinh sống hoặc có các trải nghiệm. Thông qua đó, ý nghĩa của không gian sẽ được con người cảm nhận 2 .

  • Năm 1979, nhà địa lý nhân văn Yi-Fu Tuan xuất bản cuốn “ Space and Place: humanistic perspective ”, tạm dịch là “Không gian và địa điểm: quan điểm nhân văn”. Trong đó, ông khẳng định: “ không gian không phải là khái niệm đơn lẻ mà nó được tiếp cận như một loạt các hoạt động tinh thần, tất cả đều dựa vào sự tương tác giữa cơ thể con người và môi trường xung quanh và giữa con người với con người. Không gian không chỉ đơn thuần là một vị trí địa lý mà nó còn vượt xa hơn nữa và nó còn phụ thuộc vào cách thức nhìn nhận của con người thông qua quá trình trải nghiệm trong/ đối với không gian đó ”. Theo ông, “nơi chốn” bao gồm: những vấn đề về tinh thần nơi chốn, cảm giác nơi chốn, tính cá biệt tính ổn định 3 . Với cách hiểu này, “nơi chốn” đã vượt qua ý nghĩa về địa lý lẫn xã hội cũng như có sự độc đáo và bản sắc.

  • Tinh thần nơi chốn là cảm xúc của con người về một địa điểm nhất định. Cảm xúc đó xuất phát từ việc con người tiếp xúc, tương tác với môi trường trong đó họ có các hoạt động, sự cảm nhận và cách thể hiện bản thân... Tất cả những tương tác đó sẽ dần trở thành ký ức quan trọng, là khái niệm “tinh thần nơi chốn” theo Norberg-Schulz nêu trong cuốn sách “Genius Loci: Towards a Phenomenology of Architecture” (1980), tạm dịch “Tinh thần nơi chốn: Hướng tới một kiến trúc hiện tượng học”. Như vậy, tinh thần nơi chốn không chỉ liên quan đến các địa điểm có tính thuần túy vật lý, sự xuất hiện của nó chủ yếu liên quan đến các các giá trị do cảm xúc, cảm quan mang lại. Phát hiện này của Norberg-Schulz có một vai trò rất quan trọng trong xu hướng nghiên cứu và thực hành thiết kế hiện đại vì đã hướng sự chú tâm của giới chuyên môn thoát khỏi những giới hạn hẹp của kiến tạo vật lý trong một thời gian dài 4 .

  • Năm 2011, nhóm ba tác giả là Peter Meusburger, Michael Heffernan, Edgar Wunder với cuốn “ Cultural Memories: An Introduction” và Jan Assmann với cuốn “ Communicative and Cultural Memory” trong đó đã đề cập nhiều đến những khái niệm quan trọng của kiến tạo đô thị như: Cultural Memories, Collective Memory, Collective Cultural Memories, Place of Remembrance… Nó đã cho thấy sự hội tụ về quan điểm nghiên cứu và sự trọng thị của giới học giả đối với các giá trị tinh thần trong sự kiến tạo đô thị ngày càng cao 5 , 6 .

  • Trong bài báo " Nơi chốn và vị trí ", Tạp chí kiến trúc 09/2016, Hoàng Hữu Phê nêu lên sự khác nhau giữa nơi chốn và địa điểm. Trong đó, vị trí được xác định thuần túy bằng các phép đo đạc, còn “nơi chốn” thì được hình thành qua quá trình tiếp xúc, được quyết định bằng cảm xúc của mỗi con người 7 .

  • Cuốn sách “ Biểu tượng và không gian kiến trúc đô thị ” (2019) của Lê Thanh Sơn cung cấp vai trò của các lớp ý nghĩa văn hóa của biểu tượng trong không gian kiến trúc - đô thị. Đó là các hình thức, hình ảnh có tính ẩn dụ được cài đặt sâu bên trong các công trình, thông qua đó trao lại cho công chúng các biểu tượng mang ý nghĩa tinh thần trong nhiều cấp độ khác nhau và tạo nên một tinh thần nơi chốn mới mẻ. Như vậy, biểu tượng văn hóa trong các không gian kiến trúc - đô thị cũng vừa bao gồm kiến tạo vật lý, vừa mang màu sắc của kiến tạo tinh thần 8 .

Tóm lại, kiến tạo nơi chốn là một nhóm lý luận chuyên biệt, bổ sung những kiến thức và quan điểm nhân văn trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc - đô thị hiện đại. Việc kiến tạo một công trình kiến trúc luôn được chờ đợi sẽ tạo nên một “key building” có liên hệ mật thiết với những kiến thức kiến tạo vật lý , nhưng cũng sẽ làm nên một địa điểm - đơn vị của nơi chốn. Nhưng việc kiến tạo một quần thể không gian và kiến trúc có liên hệ biện chứng với những kiến thức thuộc kiến tạo tinh thần và sẽ làm nên một nơi chốn - đơn vị của đô thị .

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài báo này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp Lịch sử/ So sánh giúp phân biệt rõ hai xu hướng kiến tạo vật lý và kiến tạo tinh thần trong thực tế phát triển của các kiến trúc - đô thị nổi tiếng.

- Phương pháp Quy nạp, Diễn dịch là những thao tác lập luận quan trọng để nhận ra mối liên hệ có tính chất tương đồng và dị biệt trong các hiện tượng kiến tạo kiến trúc - đô thị; hai xu hướng kiến tạo vật lý và tinh thần được kiến giải dựa trên các nghiên cứu lý thuyết đã công bố về ký ức, giao tiếp, văn hóa và sự kiến tạo.

- Phương pháp Phân tích và Tổng hợp sử dụng các lập luận logic để rút ra những kết quả nghiên cứu cho đề tài.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiến trúc và đô thị được thiết kế

Kiến trúc và những đô thị được thiết kế là sản phẩm của nền văn minh đã sản sinh ra nó. Hệ thống quan điểm lừng danh của người Hy Lạp coi cái Đẹp là Mẹ của tất cả các môn nghệ thuật, trong đó kiến trúc và điêu khắc là những bộ môn chủ lực. Lịch sử kiến trúc hiển nhiên thừa nhận kiểu mẫu của Hy Lạp là chuẩn mực “ Cổ điển ” và đã có rất nhiều danh xưng xoay quanh thuật ngữ này như: Cổ điển Hy Lạp, Cổ điển La Mã, Phục hưng, Cổ điển Chủ nghĩa, Tân Cổ điển, Phong cách Đế chế, Kiến trúc Victorian, Cổ điển - Hậu Hiện đại...

Hiển nhiên là, ảnh hưởng của thẩm mỹ Cổ điển đã lan truyền khắp thế giới cùng với các đội quân viễn chinh của thực dân châu Âu và những công trình do bộ máy thực dân xây dựng cho đến nay đã trở thành phần di sản văn hóa quan trọng không thể thay thế, nếu như không muốn nói đó còn là “niềm tự hào”, cái làm nên vẻ “kiêu sa” cho các đô thị ở các xứ thuộc địa cũ. Không những thế, công cuộc bảo tồn trong hầu hết các đô thị trên thế giới cũng luôn đặt các công trình này vào trọng tâm.

Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Hiện đại đã làm nên một sự đảo lộn toàn bộ trật tự hơn hai nghìn năm của nghệ thuật Cổ điển, nó thật sự đã làm thay đổi diện mạo của hành tinh xanh với tốc độ và khối tích xây dựng khổng lồ. Vượt qua nghệ thuật Cổ điển, kiến trúc Hiện đại đã nhanh chóng chiếm hơn 95% số lượng của kiến trúc đã từng được xây dựng từ thời cổ đại đến nay. Ưu thế gần như tuyệt đối của kiến trúc Hiện đại là sở hữu một hệ thống lý thuyết đầy tính duy lý về công năng và thẩm mỹ trong những tuyên ngôn đại loại như: “Hình thức đi theo công năng”, “Ít là nhiều”, “Nhà là cái máy để ở”... Những tuyên ngôn này không chỉ khẳng định hệ thống quan điểm mới coi công năng là chuẩn mực mà còn là một chuẩn mực của đạo đức. Với niềm tin và sự kiên định ấy mà hầu hết các kiến trúc sư (KTS), đứng đầu là Le Corbusier từng cho rằng kiến trúc Hiện đại có sứ mệnh “thay đổi xã hội” để khởi xướng cho cuộc cách mạng nghệ thuật. Đồ án quy hoạch Voisin (1925) của Le Corbusier [ Figure 1 ] cải tạo khu hạt nhân trung tâm lịch sử ở Paris thành một “ Thành phố của các tòa tháp ” - như Peter Hall từng mỉa mai - đã bị từ chối là một ví dụ điển hình cho thấy tính chất không tưởng kỹ thuật ( technic utopia ) không thể lấn át được bề dày của văn hóa và lịch sử. Công chúng Pháp đã phản ứng dữ dội khi họ gọi ông là tên man rợ ( barbarian ) 9 .

Mối bận tâm thường xuyên của nhà thiết kế chuyên nghiệp đương nhiên sẽ là làm cho kiến trúc và những đô thị được thiết kế vừa đáp ứng tốt các yêu cầu của cuộc sống, vừa có tính đột phá của sáng tạo, hoặc ít ra thì cũng phải đẹp mắt. Thiết kế của các KTS hàng đầu đã lần lượt được trình làng trong nhiều trường phái, chủ thuyết khác nhau và ảnh hưởng của những thiết kế này lan truyền khắp thế giới. Sự hiện diện của những “key building” đã khiến cho các đô thị trở nên hấp dẫn hơn như trường hợp Guggenheim Museum Bilbao của Frank O’ Gehry hay Heydar Aliyev Center của Haza Hadid. Thế nhưng, các thành phố Bilbao ở Tây Ban Nha và Baku ở Azerbaijan cũng chẳng vì thế mà trở thành những nơi chốn có hấp lực bởi “một cánh én không làm nên mùa xuân”. Rõ ràng là sức lôi cuốn của hai thành phố nêu trên chẳng thể so sánh với khu Montmartre ở Paris hay Venice của Italy, dù rằng ở đó chẳng hề có một “key building” nào.

Tóm lại, ở mọi thời kỳ văn minh, vai trò của thiết kế là rất cần thiết và quan trọng vì sự thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức của giới chuyên môn về kiến trúc và đô thị như những “cẩm nang” thực hành, nhiều đại dự án đã được hình thành mang lại tiện ích và hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội. Nhiều lý thuyết sáng tạo đã được phát triển, nhưng kiến trúc và đô thị dân gian vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực, vẫn nằm ngoài sự quan tâm của giới chuyên môn.

Figure 1 . Đồ án quy hoạch Voisin, 1925, Le Corbusier - Nguồn: Internet

Kiến trúc và đô thị

Những khu hạt nhân trung tâm lịch sử trong các đô thị thời kỳ Tiền Công nghiệp như: Florence, Rome, Venice hay gần gũi hơn là khu 36 phố phường của Hà Nội, phố cổ Hội An ở nước ta. Đó là những “ kiến trúc và đô thị dân gian ”, “ kiến trúc không có KTS ”, những nơi chốn nổi tiếng được các tầng lớp thị dân xây dựng mà không hề được “thiết kế qui hoạch” theo những lý thuyết đô thị chính thống. Chúng chẳng có gì chung với mô hình kiểu ô cờ ở Timgad thời Hy Lạp hay các trục Cardo và Decumanus thời La Mã cổ đại. Sự “ độc đáo, giàu bản sắc ” là ở chỗ các đô thị này có những quan niệm và lề luật vốn được bồi đắp từ đời này sang đời khác và hầu như chúng chẳng có điểm chung nào với các lý thuyết đô thị đầy tham vọng của Chủ nghĩa Hiện đại.

Khu phố cổ Hà Nội được xây dựng vào thế kỉ 18-19 nổi tiếng với cấu trúc tự xây theo kiểu không gian hình “ống”, kéo dài hàng vài chục mét. Mái nhà lợp ngói dốc, các khoảng không gian ở xen lẫn với sân trống có tác dụng chiếu sáng và thông khí. Mặt phố tạo thành các cửa hàng buôn bán san sát bên nhau, xây không thật thẳng hàng mà nhô ra, thụt vào một cách tự nhiên, tự phát. Chính những nét dân gian đặc trưng không giống với bất cứ đô thị nào mà ngày nay khu “36 phố phường” đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội trên cả hai khía cạnh vật thể và phi vật thể [ Figure 2 ].

Hội An là một đô thị cổ được xây cất theo lối không được thiết kế . Ngày nay, cuộc sống thường nhật của cư dân Hội An với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn. Chúng đã giúp cho đô thị này duy trì sức thu hút của một nơi chốn đầy sinh khí thay vì là kiểu đô thị với những công trình kiến trúc được thiết kế [ Figure 3 ].

Trước khi người Hoa đến lập nghiệp tại Hội An và Chợ Lớn thì những địa danh nói trên không có gì thật sự nổi bật hay đặc sắc. Theo thời gian, những địa diểm này đã trở thành nơi chốn thấm đẫm tinh thần văn hóa của cộng đồng người Hoa. Tức là nơi chốn ấy trở thành một giá trị để con người có cảm giác bình an, tạo dựng nề nếp trong cộng đồng và hạnh phúc với cuộc sống ở nơi họ “ thuộc về ”. Qua đó, bản sắc văn hóa truyền thống cũng được lưu giữ lâu bền. Từ London cho đến Boston, "Chinese Town" đã trở thành một mô hình quan trọng của thành phố. Đó là minh chứng sống động, phản ánh rằng văn hóa của cộng đồng đã tạo lập nên một nơi chốn có tinh thần đầy cuốn hút với những kiểu kiến trúc dân gian chứ không phải là sản phẩm thiết kế của KTS - những người có chuyên môn cao [ Figure 4 , Figure 5 ].

Những ví dụ nêu trên cho thấy rằng, bên cạnh những kiến trúc và đô thị được thiết kế, tính dân gian của kiến trúc - đô thị sở hữu những đặc trưng văn hóa đặc sắc là gạch nối quan trọng giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Do đó, đây cũng là bộ phận quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cấu trúc văn hóa để tạo nên bản sắc của một đô thị hiện đại.

Figure 2 . Phố cổ Hàng Mắm, Hà Nội - Nguồn: Internet

Figure 3 . Phố cổ Hội An - Nguồn: Internet

Figure 4 . Chợ Bình Tây - Nguồn: Internet

Figure 5 . Dãy nhà phố thương mại Chợ Lớn - Nguồn: Internet

Kiến tạo thẩm mỹ trong kiến trúc - đô thị

Trong lịch sử loài người, việc kiến tạo nên cái đẹp (thẩm mỹ) nói chung liên quan chặt chẽ đến sự kiến tạo vật thể. Từ cổ đại Hy Lạp, kiến trúc trước hết phải là một vật thể vật lý để có thể tiện lợi trong việc hoạt động, tránh nắng nóng, giá lạnh và phải đủ bền chắc để chống chọi hiệu quả với sự khắc nghiệt của tự nhiên. Cái đẹp được khẳng định bằng tính hài hòa ( harmony ), trong đó, module của bán kính đáy cây cột nhà bằng đá là kích thước căn bản để xác định tỉ lệ các bộ phận còn lại của tòa nhà. Những kiến thức nghệ thuật của Hy - La được đưa vào các trường đào tạo KTS như là các khuôn phép đặc biệt mà chỉ các tầng lớp tinh hoa mới có thể thấm nhuần và thực hiện. Giới bình dân không hề có bất cứ vị thế nào trong nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng.

Ở thời kỳ Hiện đại, các KTS cũng tự khẳng định vị thế độc tôn trong ngôi đền kiến trúc. Giới bình dân, những người không thể với tới lãnh địa của thứ kiến trúc được thiết kế lại một lần nữa phải đứng ở vòng ngoài. Le Corbusier một mực tin rằng “ Công cuộc thiết kế thành phố quá quan trọng đến mức không thể để cho dân thường tham dự vào9 . Brasilia là một quần thể kiến trúc - đô thị nhân tạo, nơi tôn vinh những “key building” điển hình được thiết kế. Phương án quy hoạch do Lúcio Costa thiết kế đã vẽ ra thành phố trong hình dáng của một chiếc máy bay nhằm tượng trưng cho sự cất cánh của Brazil. Thành phố được phân khu chức năng rành mạch theo lý thuyết đô thị Hiện đại Chủ nghĩa. Oscar Niemeyer thiết kế các tòa nhà nổi bật nhất của thủ đô mới như: Plaza of Three Powers, Tòa nhà quốc hội Brasil, Nhà thờ Brasilia... UNESCO đã chọn Brasilia là di sản thế giới vì sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị hiện đại [ Figure 6 , Figure 7 ].

Figure 6 . Quy hoạch Brasilia có hình máy bay - Nguồn: Internet

Figure 7 . Nhà thờ Brasilia - Nguồn: Internet

La Défense ở Paris là một khu trung tâm thương mại (BCD) với vẻ ngoài bề thế, khổng lồ, được thiết kế trau chuốt đến từng chi tiết nhưng lại quá khô khan, vắng lặng [ Figure 8 ]. Ngoài những chức năng hoàn hảo đã được các đô thị gia “lập trình”, nơi đây lại thiếu sinh khí của một đô thị có đời sống tấp nập, tính chất của một nơi chốn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khi vấn đề chính của một đô thị sống động là phải có chức năng hỗn hợp, phải đảm bảo cho mọi người được quyền sinh sống, đi lại với các mục đích và thời gian biểu khác nhau và được tự do tiếp cận với các dịch vụ công cộng 9 .

Figure 8 . La Défense, Paris tuy bề thế, được thiết kế trau chuốt đến từng chi tiết, nhưng lại quá khô khan, vắng lặng. Nguồn: Internet

Hai đô thị nhân tạo Chandigarh [ Figure 9 ], thủ phủ ở bang Punjab, Ấn độ và thủ đô hành chính Putrajaya ở Malaysia cũng cho thấy các “đô thị nhân tạo” đều đẹp đẽ, mẫu mực với những kiến trúc được thiết kế bởi các KTS bậc thầy, nhưng vẫn là những thất bại to lớn xét về khía cạnh nhân văn và xã hội học. Peter Hall đã chỉ trích kịch liệt Le Corbusier đã không đếm xỉa gì đến những vấn đề của người dân Ấn Độ trong khi quy hoạch thành phố Chandigarh.

Kiến tạo thẩm mỹ là những kỹ năng nghề nghiệp của riêng giới KTS, đó là những kiến thức chuyên sâu để họ tạo nên những công trình vĩ đại và hào nhoáng, vượt lên trên tầm hiểu biết của đa số công chúng. Vì vậy, một công trình kiến trúc được thiết kế thường mang vẻ đẹp chuẩn mực, có thể đóng góp rất nhiều vào mỹ quan đô thị như là những “key building”, “landmark”. Ở chiều ngược lại, Oscar Newman thì cho rằng, vấn đề của các kiến trúc sư hiện đại cùng thời với Le Corbusier là họ luôn tư duy theo phương pháp siêu hình , trong khi những nhà quy hoạch cần tư duy theo phương pháp xã hội . Phương pháp siêu hình dù khá phù hợp để trạng thái sáng tạo của KTS thăng hoa, nhưng việc sử dụng nó vào lĩnh vực quy hoạch đô thị sẽ là một thảm họa. Đó là khi các “đô thị nhân tạo” được thiết kế bởi các kiến trúc sư (architect) mà không bởi những nhà quy hoạch ( urban planner ). Trong những tình huống này, thành phố thường không thể hiện một liên hệ gì với lịch sử hay hoàn cảnh địa phương, nó như được xây dựng trên một thảo nguyên trống vắng 9 . Kevin Lynch đã dự cảm điều không hay này bằng nhận xét: “ Có một cảm giác chung rằng hầu hết các khu vực đô thị đều không ổn - không thuận tiện, xấu xí, hoặc buồn tẻ10 .

Peter Hall nói về ảnh hưởng tai hại của Le Corbusier và những người theo ông ta như sau: “ Tội lỗi của Le Corbusier và những người theo ông ta không phải ở thiết kế của họ, mà ở sự ngạo mạn vô lối theo đó họ áp đặt lên người khác9 . Pruitt-Igoe ở Saint Louis [ Figure 10 ] khởi đầu như một thiết kế được ca ngợi, nhưng đến năm 1970 vẻ đổ nát, xập xệ và hiện trạng tiểu tiện bậy, rác, chuột... tràn lan. Năm 1972 chính quyền đã cho triệt hạ khu chung cư này. Còn ở Alton West, hạt Roehampton, tất cả mọi thứ như: tiện nghi, môi trường sống thân thiện và cảm giác cộng đồng đều thiếu; cái duy nhất mà họ nhận được là mái nhà và bốn bức tường 9 .

Figure 9 . Tòa nhà Hội đồng lập pháp Chandigarh - Nguồn: Internet

Figure 10 . Pruitt-Igoe bị phá hủy năm 1972 - Nguồn: Internet

Vậy điều gì quyết định cho vẻ đẹp của một kiến trúc hoặc một đô thị. Đó là vẻ đẹp tự thân của một công trình kiến trúc đơn lẻ được thiết kế tài khéo hay một dự án quy hoạch đô thị đầy tham vọng của các chính khách và KTS Hiện đại. Những dự án đô thị khổng lồ như: Đồ án quy hoạch Voisin (1925), Chandigarh (1950 - 1960) của Le Corbusier, Phương án Vịnh Tokyo (1960s) của K. Tange và Brasilia (1960) của Louis Costa... theo thời gian đã chứng minh rằng đó là các mô hình lý thuyết mang tính không tưởng. Trong thế kỷ XX, hầu hết giới KTS đều chịu ảnh hưởng từ Le Corbusier bởi điều tai hại nhất là nhầm lẫn quy hoạch đô thị ( urban planning ) là một loại công việc của thiết kế đô thị ( urban design ). Đặc điểm quan trọng nhất của sự nhầm lẫn này chính là: toàn bộ hoạt động quy hoạch đô thị đã được chuyển sang những vấn đề thuộc yếu tố thị giác, thẩm mỹ và nhìn chung thì cần phải mang tính biểu tượng theo “ý tưởng” của kiến trúc sư “bậc thầy” 9 .

Ký ức và tinh thần của nơi chốn của đô thị

Bên lề lịch sử thành văn của kiến trúc còn có một dòng khác vốn không được thiết kế do các cộng đồng cư dân đô thị tự mình kiến tạo và thường được gọi là kiến trúc dân gian . Phố cổ Hà Nội là quần thể kiến trúc - đô thị của các phường thợ từ nông thôn kéo về làm ăn sinh sống và xây dựng; Hội An cổ là quần thể các dãy phố của người Việt, Hoa, Nhật tạo nên... Các quần thể không gian này tạo thành hai yếu tố: đường ( paths ) và khu ( districts ) theo cách định danh của Kevin Lynch. Sự phát triển tiếp nối của những khu vực quần cư này dần tạo thành một thực thể hoàn chỉnh khi kết nối với hệ thống không gian đô thị được thiết kế theo mô hình phương Tây với đầy đủ cả năm yếu tố: đường, cột mốc, điểm nút (nodes), khu, bờ (edges) 1 .

Trong phần này gồm một số ví dụ về đô thị dân gian, đó là những đô thị tuy không được thiết kế nhưng lại sở hữu những nét văn hóa dân gian và vẻ đẹp lâu bền. Chẳng hạn, sự nổi tiếng của Rio de Janeiro với tên gọi là Thành Phố Kỳ Diệu ( A Cidade Maravilhosa ) không liên quan đến những công trình kiến trúc mỹ miều được thiết kế bởi các KTS tầm cỡ thế giới như ở Brasilia, mà bởi những kỳ quan thiên nhiên, những bãi biển, lễ hội carnival, nhạc samba... Cuộc sống đô thị ở đây cuốn hút và đáng nhớ bởi chính sự phức tạp trong cấu trúc tự nhiên của nó, Rio de Janeiro sầm uất và sôi động tận hưởng ngày đêm.

Montmartre [ Figure 11 ] là một khu vực văn hóa dân gian đặc biệt mà kiến trúc và đô thị ở đây cơ bản đã “không được thiết kế”. Montmartre vốn là nơi tụ họp và giao lưu của giới nghệ sỹ tự do với các trường phái Ấn tượng, Lập thể, Dã thú... và là “khu phố nghệ sĩ” nổi tiếng của Paris. Vincent van Gogh từng sống tại đây; Camille Pissarro nổi tiếng với loạt tranh đại lộ Montmartre; Picasso đã sáng tạo bức tranh Les Demoiselles d’Avignon lừng danh ngay tại nơi này... Montmartre mộng mơ có không khí mang chất nghệ sĩ, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, các họa sĩ vẽ chân dung lưu niệm cho du khách, cửa hàng đồ lưu niệm... [ Figure 12 ]

Như vậy, vẻ “đẹp” của một đô thị có thể được phơi lộ qua những quần thể kiến trúc bề thế và trau chuốt được thiết kế, nhưng sức sống thực sự mang tính nhân văn vẫn thường xuất hiện trong những đô thị không được thiết kế; bởi lẽ, ở đấy có sẵn một thứ tinh thần được hun đúc bởi thời gian và lịch sử, là cái mà Norberg-Schulz gọi là “Genius Loci”, đó chính là cảm xúc của con người về một địa danh nào đó.

Figure 11 . Phố Montmartre, Paris - Nguồn: Internet

Figure 12 . Bức The Bal du moulin de la Galette của Pierre-Auguste Renoir (1876) vẽ lại một buổi khiêu vũ chiều chủ nhật ở khu phố Montmartre - Nguồn: Internet

BÀN LUẬN

Table 1 So sánh các đặc điểm của kiến tạo vật lý & kiến tạo tinh thần - Nguồn: LTS

Trong Table 1 là những điểm tóm lược của bài viết về kiến tạo kiến trúc kiến tạo nơi chốn, mang tính so sánh bao gồm bốn khía cạnh:

  • Phương tiện nhận biết : cho thấy một hình ảnh/ hình tượng trong đô thị (landmark) khác với các ký ức đô thị. Điều này tương ứng với cái nhìn thấy (visible) thì phải khác với cái vô hình (invisible);

  • Yếu tố lưu giữ, biểu thị : cho thấy hình tượng (figure) là một hình thể thực tế mà mọi người đều nhận ra một cách rõ ràng; ví dụ ai cũng thấy trái banh nỉ có hình cầu, phủ lông màu xanh lá mạ. Trong khi đó thì ấn tượng (impression) về sự đẹp, chưa đẹp, sang trọng, tinh tế… của nó thì có thể rất khác nhau;

  • Tính chất : một vật thể được thiết kế thường có vẻ ngoài mang tính nguyên tắc chặt chẽ về công năng, kỹ - mỹ thuật, vì chúng bị chi phối bởi những qui tắc mang tính hàn lâm, học viện khá rõ ràng. Trong khi đó, một vật thể không được thiết kế thường có vẻ ngoài không theo những bài bản nêu trên, vì phần nhiều chúng được tạo ra trên sự lưu truyền kinh nghiệm nhiều hơn là những qui tắc hàn lâm, học viện;

  • Chu trình kiến tạo và ý nghĩa đạt được: kiến tạo kiến trúc thường có chiều hướng tạo nên một ý nghĩa tự thân nào đó, chẳng hạn vẻ đẹp độc đáo, phong cách nghệ thuật. Kiến tạo nơi chốn thường có chiều hướng tạo nên một nơi chốn an yên cho cộng đồng hơn là quá chú trọng đến việc tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, phong cách nghệ thuật. Hay nói khác đi, kiến tạo nơi chốn chủ yếu hướng đến việc tạo nên một ý nghĩa cộng đồng hơn là hình tượng nghệ thuật đơn thuần.

Tóm lại, điểm then chốt của kiến tạo nơi chốn chính là tính chất không được thiết kế, từng công trình xây dựng riêng lẻ ở những nơi chốn dân gian thường không nổi tiếng như các kiến tạo kiến trúc. Danh tiếng mà chúng tạo nên là một tập hợp của nhiều công trình với hình ảnh vốn không dễ nhớ, nhưng lại đầy tràn ấn tượng và cảm xúc.

Cách tiếp cận của Kevin Lynch cho phép sự kiến giải trở nên dễ dàng hơn đối với sự khác nhau về chất giữa tính thẩm mỹ của không gian kiến trúc với ấn tượng của không gian đô thị. Trước tiên, sự nhận biết về một địa điểm (theo nghĩa địa lý) hay một nơi chốn (theo nghĩa ký ức) luôn có mối liên hệ với những yếu tố hình ảnh trong lý thuyết của Kevin Lynch. Dưới góc độ sử học nghệ thuật, Aby Warburg xem hình ảnh vốn là một sự vật thể hóa mang tính văn hóa (cultural objectivation). Nó như là một dạng lưu giữ của ký ức - mà ký ức chính là văn hóa . Mở rộng hơn, ký ức là quá trình tâm lý mà trí óc phản ánh hình ảnh của các sự vật đã tri giác được hoặc những hoạt động sinh sống, tương tác trải nghiệm, kỷ niệm, tình cảm, tư tưởng có liên quan đến những sự vật đó. Theo nghĩa đó, hình ảnh là vật chứa đựng ký ức (carrier of memory) 5 . Jan Assmann cho rằng, tự thân các vật chứa đựng đó không có ký ức riêng, nhưng chúng có thể nhắc nhở, kích hoạt ký ức của mỗi người trong chúng ta, bởi vì chúng ta đã đặt ký ức của mình vào trong đó 6 . Ký ức này góp phần tạo nên giá trị tinh thần của “nơi chốn”, đồng thời còn là tiền đề tạo nên các nhận thức về bản thân và nhận thức đó luôn gắn liền với thời gian trải nghiệm. Florence, Venice, “La Petite France ” ở Strasbourg, “ Grand Square ” của Brussels... là các khu văn hóa dân gian ở có sức thu hút mạnh mẽ hơn so với những khu trung tâm thương mại hào nhoáng. Kiến trúc và đô thị ở những nơi này là cả một tổng thể những kiến tạo mang đường nét và phong cách của văn hóa - nghệ thuật dân gian.

Trong khi đó, các khu vực đô thị nhân tạo (BCD) luôn có một cấu trúc hoàn chỉnh giống với một cỗ máy, mọi hoạt động ở đấy đều được thiết kế dựa trên các kịch bản (scenario) mang tính lý thuyết đậm nét duy lý, do vậy mà tính chất chủ quan, duy ý chí của nhà thiết kế là khó tránh khỏi. Đến đây đã lộ rõ những bất cập của các đô thị nhân tạo là do thiếu mối liên hệ đối với đời sống và lịch sử, là cái đã tạo nên ký ức, mà ký ức đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nơi chốn trong mỗi con người.

Tóm lại, sự hợp lý, tính hàn lâm của các hình tượng được sắp đặt bởi các KTS thì luôn mâu thuẫn với tính phi lý - một yếu tố làm nên bản chất sống động của các quần thể kiến trúc và đô thị dân gian. Các khu hạt nhân trung tâm lịch sử mang lại cảm giác vô cùng cuốn hút, bởi ở đó có những ấn tượng đầy ắp sức sống do sự gắn kết trực tiếp với nhiều cấp độ ký ức của thị dân.

KẾT LUẬN

  1. Kiến tạo vật lý là một tiến trình tất yếu của văn minh đô thị, nó đảm bảo cho các thành phố nói chung và kiến trúc nói riêng trở thành những vật thể quan trọng nhất trong đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Kiểu kiến tạo này phù hợp trong đào tạo các nhà chuyên môn thực hành thiết kế. Sản phẩm của quá trình này gắn với việc tạo nên hình ảnh/ hình tượng mang vẻ đẹp sáng tạo và ý nghĩa tự thân, có tầm vóc của một điểm nhấn trong không gian của đô thị. Ở một chừng mực cụ thể, nhiều công trình trong số đó đã dần trở thành tiềm thức, ăn sâu vào ký ức của các tầng lớp thị dân không hẳn chỉ vì đó là một kiến trúc tuyệt mỹ mà là vì nó đã thực sự tham gia vào đời sống tinh thần của xã hội. Mặc dù, kiến tạo vật lý, cả trong kiến trúc và đô thị vẫn có thể cung cấp những giá trị tinh thần bên cạnh chính những giá trị công năng của nó. Tuy nhiên, những khiếm khuyết trong sự kết nối và giao tiếp giữa con người ở trong những đô thị nêu trên càng cho thấy vai trò quan trọng của kiến tạo nơi chốn là không thể thiếu.

  2. Kiến tạo tinh thần là một tiến trình dài và gắn bó với lịch sử và đời sống của các thế hệ cư dân, hay nói cách khác thì đó là sản phẩm của cộng đồng, của xã hội và trải qua nhiều thế hệ đã thành ký ức xã hội – văn hóa của các tầng lớp thị dân. Nếu so sánh với các thành phố nhân tạo được tạo ra bởi các KTS danh tiếng, tài giỏi thì đa số giá trị vật chất của kiến trúc - đô thị dân gian vẫn đầy vẻ quyến rũ và sự thu hút. Phẩm chất đặc sắc này có được bởi sự gắn bó mật thiết của các không gian đô thị đó với chiều dài lịch sử và ký ức văn hóa; đó chính là điều mà các thành phố nhân tạo của Chủ nghĩa Hiện đại chưa thể tạo nên được. Đây là một kinh nghiệm có ý nghĩa tích cực nhằm xoay hướng các quan điểm thiết kế nói chung cần phải liên kết chặt chẽ hơn với lý thuyết kiến tạo nơi chốn .

  3. Năm yếu tố của hình ảnh/ hình tượng trong đô thị theo đúc kết của Kevin Lynch có ý nghĩa rất thiết thực để các nhà chuyên môn và phê bình kiến trúc tự mình triệt thoái khỏi lối tư duy duy mỹ mang ý nghĩa tự thân cực đoan. Hình ảnh/ hình tượng quan trọng nhất của đô thị nằm trong ký ức, trí nhớ phi chuyên môn của mọi tầng lớp cư dân đô thị, và nó cung cấp cho chúng ta một nơi chốn thay vì một vật thể vật lý siêu cấu trúc, mỹ miều. Đã đến lúc chúng ta cần phải đưa vấn đề kiến tạo tinh thần lên ngang hàng với khía cạnh kiến tạo vật lý trong quản lý và thiết kế kiến trúc - đô thị nếu như không muốn chứng kiến các thực thể vật lý khổng lồ sẽ “nuốt gọn” những mẩu giá trị tinh thần bé nhỏ và hiếm hoi còn sót lại.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này tôi đảm bảo không có xung đột về lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Bài viết này tôi tự mình thực hiện, không sử dụng bất kỳ công sức của cộng tác viên nào khác.

References

  1. Lynch K. The Image of City. Harvard-MIT Joint Center for Urban Studies Series; 1960. . ;:. Google Scholar
  2. Relph E. Place and Placelessness. University of Toronto Press; 1976. . ;:. Google Scholar
  3. Tuan Y-F. Space and Place: Humanistic Perspective. In: Gale S, Olsson G, eds. Philosophy in Geography; 1979. . ;:. Google Scholar
  4. Schulz-Norberg. Genius Loci: Towards a Phenomenology of Architecture. Rizzoli Publisher; 1980. . ;:. Google Scholar
  5. Linh PV. Kí ức văn hóa - Lời giới thiệu [Translation of: Meusburger P, Heffernan M, Wunder E. Cultural Memories: An Introduction. Springer Publisher; 2011.] 2020. . ;:. Google Scholar
  6. Linh PV. Kí ức giao tiếp và kí ức văn hóa [Translation of: Assmann J. Communicative and Cultural Memory. In: Meusburger P, Heffernan M, Wunder E, eds. Cultural Memories - The Geographical Point of View. Springer Publisher; 2011. p. 15-27.] 2020. . ;:. Google Scholar
  7. Phê HH. "Nơi chốn và vị trí". Tạp chí Kiến trúc. 2016;(09). . ;:. Google Scholar
  8. Sơn LT. Biểu tượng và không gian kiến trúc đô thị. Nhà xuất bản Xây Dựng; 2019. . ;:. Google Scholar
  9. Ngọc NH. Tóm lược chương Thành phố của các tòa tháp trong City of Tomorrow [Translation of: Hall P. City of Tomorrow. 2012. . ;:. Google Scholar
  10. Ngọc NH. Phần mở đầu: Một câu hỏi ngây ngô [Translation of: Lynch K. Good City Form: The Geographical Point of View. Springer Publisher.] 2008. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2024)
Page No.: 2129-2138
Published: Apr 30, 2024
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjet.v7i1.1291

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, S. (2024). Physical and spiritual creation in architecture - urban areas. VNUHCM Journal of Engineering and Technology, 7(1), 2129-2138. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjet.v7i1.1291

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 647 times
PDF   = 280 times
XML   = 0 times
Total   = 280 times